Công giáo Rôma Tôn_giáo_tại_Đà_Lạt

Công giáo Rôma là tôn giáo có mặt sớm nhất ở Đà Lạt.[5] Trong đoàn khảo sát cao nguyên Lang Biang của bác sĩ Alexandre Yersin năm 1893, đã có sự tham gia của Linh mục Robert thuộc Hội Thừa sai Paris tại Viễn Đông. Vào năm 1917, Linh mục Nicolas Couvreur, người kế nhiệm Linh mục Robert, đã tới vùng đất này để thực hiện sứ mệnh mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Công giáo giữa những người Pháp và một ít người Việt trong ngày đầu xây dựng thành phố.[5] Năm 1918, Linh mục Couvreur đã lập một dưỡng viện giáo đồ trên quả đồi ở khu vực trung tâm thị tứ. Cuối tháng 4 năm 1920, Giáo sở Đà Lạt ra đời và Linh mục Frédéric Sidor trở thành cha sở đầu tiên của thành phố. Khi số lượng giáo dân tăng lên, một nhà thờ mới được xây dựng và hoàn thành vào năm 1942, ngày nay là Nhà thờ chính tòa Đà Lạt.[6] Trong những năm Thế chiến thứ hai và giai đoạn sau năm 1954, dân số thành phố tăng mạnh mẽ, kéo theo sự phát triển của cộng đồng giáo dân. Đặc biệt, trong khoản thời gian 1955 đến 1960, Đà Lạt có thêm 9 xứ đạo mới, nhờ một lượng lớn những tín đồ miền Bắc di cư vào nam.[6] Khi thành lập vào năm 1960, Giáo phận Đà Lạt gồm thị xã Đà Lạt và 4 tỉnh Tuyên Đức, Quảng Đức, Phước LongLâm Đồng, nhưng ngày nay chỉ còn nằm gọn trong địa giới của tỉnh Lâm Đồng với 5 giáo hạt.[6] Cùng với sự hình thành các họ đạo, giáo xứ là sự xuất hiện của các dòng tu trên đất Đà Lạt. Thành phố hiện có đến 22 dòng tu nam và nữ với 29 cơ sở tu hành, bao gồm cả những dòng tu quốc tế và những dòng tu địa phương.[7] Phần lớn các dòng tu đều quan tâm tới việc đào tạo nghề nghiệp hay trang bị kiến thức phổ thông cho những thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn.[7] Nhiều trường học ở Đà Lạt ngày nay xuất phát từ các ngôi trường do các dòng tu thành lập, như Trường Dân tộc nội trú trước đây là Trường Nữ trung học Couvent des Oiseaux, Trường Kinh tế Kỹ thuật Lâm Đồng trước đây là Trường Kỹ thuật Lasan... Đặc biệt, một cơ sở đào tạo bậc cử nhân trực thuộc giáo hội thành lập năm 1958 trở thành Viện Đại học Đà Lạt, tiền thân của Trường Đại học Đà Lạt ngày nay. Sau gần một thế kỷ, Công giáo đã có chỗ đứng vững chắc trong một cộng đồng dân cư ở đây. Vào năm 2002, trong thành phố có 48 vị linh mục, 133 tu sĩ và 3.319 hộ gia đình với 17.404 người là tín đồ Công giáo, chiếm khoảng 12% cư dân Đà Lạt.[8]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tôn_giáo_tại_Đà_Lạt http://simonhoadalat.com/DIAPHAN/Ditich/dusinh.htm... http://simonhoadalat.com/DIAPHAN/GIAOXU/BachDang.h... http://simonhoadalat.com/DIAPHAN/GIAOXU/anbinh.htm... http://simonhoadalat.com/DIAPHAN/GIAOXU/caudat.htm http://simonhoadalat.com/DIAPHAN/GIAOXU/chilang.ht... http://simonhoadalat.com/DIAPHAN/GIAOXU/tunglam.ht... http://vietngu.caodai.net/index.php?option=com_con... http://www.giacngo.vn/bandoc/2010/09/03/5E6610/ http://www.dalat.gov.vn http://www.lamdong.gov.vn